Let your wings fly =))


Vẫn nhớ hồi Y1 đi phỏng vấn câu lạc bộ, một anh hỏi mình: “Sau này em muốn làm ở trung ương hay địa phương?”, mình chẳng đắn đo trả lời: “Làm ở đâu không quan trọng, quan trọng em điều trị được cho bệnh nhân”. Cùng nhiều yếu tố khác, kết quả là mình trượt! Mẹ và mọi người vẫn luôn mong mình học xong 6 năm sẽ về Bắc Giang làm việc. Mình thấy đó hoàn toàn là điều tốt và cũng dự định cho bản thân như vậy. Vì khi lên đại học, một trong các học bổng của mình trị giá 24 triệu/năm với điều kiện GPA từ 8.0/năm trở lên nên mình đã tự lập ra kế hoạch cho bản thân duy trì điểm số để vừa được học bổng khuyến khích ở trường, vừa nhận được học bổng 24 triệu cho suốt 6 năm, như vậy bố mẹ sẽ không phải chi trả cả tiền ăn và tiền học cho mình. Nhưng chẳng hiểu sao, mỗi khi đi từ cổng trường vào giảng đường, mình lại tự hỏi bản thân liệu đó có phải con đường mình muốn đi? Đó có phải con đường mình thực sự chọn? Tại sao mình luôn cảm thấy bí bách trong người?
Thật tình cờ và may mắn, hè Y1 mình được một anh bác sĩ Nội trú dạy tiếng Anh chuyên ngành. Những buổi học của anh ấy thực sự rất cuốn hút và đầy rộng mở. Anh vun đắp tình yêu tiếng Anh trong mình qua những hình vẽ giải phẫu tuyệt đẹp. Giữa những cái nắng chói chang chiếu vào phòng học nhỏ ở B4 của mùa hè ấy, những chia sẻ về nghề về ngành qua giọt mồ hôi trên khuôn mặt của anh sau ca làm khiến mình chẳng thể quên được. Lúc ấy mình chỉ mong sao sau này có thể trở thành bác sĩ giỏi và nhiệt huyết như anh. Anh còn giới thiệu tạp chí Y khoa NEJM nữa, anh bảo rằng nếu có tiếng Anh và Internet, cả kể làm ở bệnh viện địa phương cũng có thể cập nhật những kiến thức Y khoa mới nhất, những hướng dẫn thủ thuật chuẩn nhất. Dần dần mình tìm hiểu và biết học xong 6 năm mình vẫn chẳng thể điều trị tốt cho bệnh nhân của mình, mình còn phải học nữa, học mãi, update kiến thức, được đào tạo chuyên sâu, mà trong đó tiếng Anh chính là chìa khóa giúp mình đi đến cánh cửa ấy.
Lên Y2 mình vẫn còn câu hỏi về con đường sẽ đi của mình. Một ngày đang trên đường đến giảng đường, mình tự hỏi tại sao bố mẹ đã luôn cố gắng cho mình ăn học, lúc nào cũng mong mình học thật giỏi để trở thành người có ích cho xã hội thì đến khi lên đại học rồi lại chỉ mong con mình về quê để được gần bố mẹ, lấy chồng có con được bố mẹ chăm sóc giúp? Đó chẳng phải một sự lãng phí lớn sao? Đó chẳng phải đã nuôi dưỡng đôi cánh cho mình nhưng lại chẳng muốn mình được cất cánh? Và từ đó mình tự nhủ với bản thân cần để đôi cánh được bay lên.
Giữa Y2 mình có tham gia một khóa học khoảng 3 buổi về Cấp cứu của các bác sĩ bên Mỹ cùng câu lạc bộ Tiếng Anh. Nói thật là dù đã được gửi slide, tài liệu trước thì mỗi buổi học mình cũng chỉ nghe được từ Hello, my name is ...., và sau đó đầu mình ù ù cạc cạc, cứ ong ong không thể bắt nổi từ nào. Các buổi học trở nên cực kì áp lực đối với mình, mình sợ đến nỗi chẳng dám đi học buổi cuối. Mình thất vọng ở bản thân tràn trề. Lúc đó về nhà mình chỉ muốn đập đầu vào gối, buồn rầu hỏi sau này có thể làm được gì nếu trình độ tiếng Anh kém như vậy. Mình còn chẳng nghe nổi nói gì đến giao tiếp hay trao đổi chuyên môn với họ. Làm sao mình có thể trở thành bác sĩ giỏi điều trị cho bệnh nhân của mình nếu như mình không có khả năng tiếp thu kiến thức của nhân loại....
Thế rồi mình cũng bắt đầu học tiếng Anh căn bản. Không ít lần chán nản nhìn bạn bè xung quanh trong câu lạc bộ đều học giỏi tiếng Anh, trình độ của mình không biết bao giờ mới đuổi kịp. Nhưng rồi mình cũng phải tự nhủ bản thân không nên so sánh như vậy. Các bạn giỏi vì các bạn đã đầu tư thời gian và tiền bạc từ ngày xưa, mình muốn giỏi đương nhiên cũng phải đầu tư rồi, vì ngày mai chính là thành quả/hậu quả của hôm nay. Nếu hôm nay mình không học tiếng Anh, thì sau này mình sẽ lại tiếp tục ngồi hối hận buồn rầu với những câu chuyện như thế.
Ngày ngày học tiếng Anh, mình cảm thấy không cân bằng nổi giữa việc duy trì điểm số và học giỏi tiếng Anh. Cuối cùng mình cũng quyết định sẽ dành phần lớn thời gian cho tiếng Anh. Chẳng phải chỉ gặp khó khăn trong việc chọn nơi học tiếng Anh, chuyện tiền bạc, điểm số mỗi khi gặp người lớn, ngày ấy mình còn hay bị bạn bè trêu chọc rằng suốt ngày chỉ biết học tiếng Anh. Thỉnh thoảng gặp vài từ tiếng Anh, các bạn lại bảo đọc thử xem phát âm có chuẩn không nào =.=. Vì phải đi học thêm, tham gia câu lạc bộ, gia sư, mình chẳng có thời gian đi chơi được cùng mọi người. Những lúc đó cảm thấy như một mình mình đang bơi ngược chiều sóng. Chuyện không mong muốn dù đã được tính trước cuối cùng cũng xảy ra là khi lên Y3 gia đình mình gặp khó khăn trong tài chính. Mình lúc đó chẳng còn học bổng, chẳng còn tiền tiết kiệm từ những năm trước, chẳng có những buổi gia sư 200-400k/buổi, vì thời gian dành hết cho đi viện, học tiếng Anh và câu lạc bộ. Đã có lúc mình tự hỏi có phải mình đã quá ích kỷ khi chỉ muốn đi trên con đường mình muốn mà không nghĩ đến người khác, không nghĩ đến gia đình mình không? Xong rồi mình lại tự hỏi có hối hận khi đã chọn con đường ấy không? Mình trả lời luôn là không hối hận. Cho đến nay mình cũng biết nếu không có tiếng Anh thì mình cũng chẳng nhận được nhiều cơ hội trong cuộc đời sinh viên đến thế.
Gần 4 năm ở Hà Nội, từng gặp rất nhiều may mắn và bạn tốt, nhưng cũng chẳng ít lần thất bại. Mình cũng từng chán học, từng hỏi bản thân liệu có phù hợp với ngành Y không. Mình vẫn nhớ cuối năm Y2 từng viết thư cho thầy giáo cấp 3 rằng mình muốn gap year. Mình cảm thấy bị áp lực với các kỳ thi, với năng lực bản thân, và đặc biệt chẳng nhìn thấy gì trong tương lai cho mình. Mình viết cho thầy với hi vọng thầy sẽ là người ủng hộ và giúp đỡ khi mình ngỏ lời với bố mẹ. Nhưng đáng tiếc là thầy không ủng hộ. Cuối cùng thì mình nghĩ lại lý do chọn Y và thấy rằng khi con người ta chẳng biết đi đường nào thì tốt nhất cứ đi đại 1 đường, ít nhất còn biết đã đi đúng hay sai, còn hơn chẳng đi, chẳng làm gì. Thế là mình lại tiếp tục học tiếng Anh và đi qua các kỳ thi ở trường Y. Thật may là từ ngày đi học lâm sàng ở bệnh viện, mình đã thấy yêu thích hơn.
Ngày hôm nay khi nhận được học bổng thực sự trong lòng luôn biết ơn những người đã gặp, những cuốn sách đã đọc và đặc biệt cả những người chưa từng gặp nữa. Nhìn thấy niềm vui của người thân, bạn bè, mình cảm thấy vui lây. Nhưng chẳng hiểu vì sao mình chẳng thể nhảy lên vì sung sướng. Mình chỉ biết là nếu trượt, mình sẽ buồn thật buồn. Mình coi học bổng như một thành quả sau 2 năm học tiếng Anh, sau những mùa hè chẳng về quê để ở lại Hà Nội học tiếng Anh chuyên ngành, học phát âm, rồi cả những ngày cùng bạn ra Hồ Gươm nói chuyện với người nước ngoài cho dạn dĩ nữa. Mình cũng chẳng biết đây có phải cảm giác của việc đạt được mục tiêu đặt ra cách đây 2 năm không nữa. Chắc có lẽ mình cần thêm thời gian để cảm nhận.
Có 1 câu mình đọc được trong báo Hoa học trò khi còn học cấp 3 rằng: “Mọi người thường nói cơ hội không đến với mình, nhưng thực ra khi cơ hội đến, bạn có đủ sẵn sàng để nắm lấy nó không?” Hay trong truyện Nhà giả kim có viết một câu mà mình cũng rất thích là: “When you really want something, all the universe conspires in helping you to achieve it.” Mình đã chuẩn bị và nắm được cơ hội. Mình tin các bạn cũng làm được và làm tốt hơn mình
^^.
Chẳng thể kể hết những điều tâm tư trong 1 note. Mong rằng các bạn biết được điều mình muốn làm, điều mình thích và để bản thân theo đuổi. Thực ra biết được điều mình thích và muốn theo đuổi đã khó rồi, hết mình theo đuổi nó cũng chẳng hề dễ dàng tẹo nào. Mỗi người cũng chỉ có một cuộc đời, hãy thử những điều bạn muốn thử, làm những điều bạn muốn làm khi còn có thể. Chẳng ai có thể sống thay mình, cũng như mình cũng không thể sống thay người khác. Bạn chỉ có thể mang lại hạnh phúc cho người khác khi chính bạn hạnh phúc mà thôi.
Stay hungry, stay foolish.
Let your wings fly, fly outside from your comfort zone


(Nửa năm trước thì chưa háo hức chứ bây giờ thì háo hức ngày lên đường lắm rồi ^^)
Đây chính là bức thư mong chờ ngày đêm



Nguồn: Nguyễn Hảo - SV4 - HMU

About whoami

Silence is the most powerful scream- (^.^)*** "Life is really simple, but we insist on making it complicated"
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét